Hoàn thành mục tiêu 100% người cao tuổi có thẻ BHYT trước năm 2020 (Nguồn: hoinhabaovietnam.vn).
Các văn bản pháp luật khác cũng đề cập đến NCT. Trước hết, Luật NCT năm 2009 đã đưa ra nội hàm của khái niệm NCT là những người từ 60 tuổi trở lên (Điều 2), đây chính là căn cứ cho việc ban hành và thực hiện các CSXH đối với NCT. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NCT, trong đó hướng dẫn việc thực hiện các hoạt động liên quan đến chăm sóc, phụng dưỡng NCT, các quy định đối với cá nhân, tổ chức trong việc chăm sóc, phụng dưỡng NCT.
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có quy định về các quyền được chăm sóc, được phụng dưỡng và phát huy các vai trò của NCT, nhấn mạnh về quyền bình đẳng trước pháp luật của NCT trong các lĩnh vực. Những quy định này đã thể hiện tính nhân văn của Nhà nước Việt Nam đối với NCT, đặc biệt, khẳng định vai trò quan trọng của gia đình trong chăm sóc và phụng dưỡng NCT, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay của Việt Nam.
Đề xuất đổi mới một số chính sách xã hội nhằm bảo đảm quyền của người cao tuổi
Các mục a, c, d, đ, e, g trong khoản 1 Điều 3 Luật NCT năm 2009 đã quy định các quyền của NCT trong việc được bảo đảm các nhu cầu ăn, mặc, ở, đi lại và chăm sóc sức khỏe, được ưu tiên sử dụng các dịch vụ theo quy định của pháp luật, được tạo điều kiện tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch… Các nội dung này đã được triển khai chi tiết và cụ thể trong các nghị định, thông tư, các quyết định, công văn quy định chi tiết và hướng dẫn các thủ tục nhằm bảo đảm các quyền của NCT trong các lĩnh vực.
Thứ nhất, về trợ cấp xã hội và bảo trợ xã hội (BTXH).
Các văn bản quy định rõ về đối tượng bảo trợ, chế độ cho từng loại đối tượng, nguồn kinh phí và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc quản lý, phân bổ ngân sách, trực tiếp thực hiện chính sách bảo trợ. Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH đã quy định rõ đối tượng NCT thuộc diện trợ cấp hằng tháng do xã, phường, thị trấn quản lý, là những NCT cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; NCT còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ; người từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội (khoản 2, 3 Điều 4).
Theo Nghị định này, mức chuẩn để xác định trợ cấp xã hội hằng tháng là 120.000 đồng, theo đó, các nhóm đối tượng là NCT đều nhận mức trợ cấp là 120.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn quy định về mức hỗ trợ 2.000.000 đồng tiền mai táng phí, đây là quyền lợi quan trọng đối với NCT, là những người có nguy cơ cao đối diện với bệnh tật và cái chết.
Để phù hợp với sự thay đổi về điều kiện kinh tế – xã hội cũng như nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội nảy sinh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2010/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH. Điểm thay đổi quan trọng về chính sách đối với NCT là mức chuẩn trợ cấp xã hội đã tăng từ 120.000 đồng lên 180.000 đồng và các nhóm NCT được quy định trong khoản 2 và 3 Điều 4. Nghị định số 67/2007/NĐ-CP làm rõ hơn về các đối tượng NCT theo các mức trợ cấp khác nhau.
Cụ thể: đối với nhóm đối tượng NCT cô đơn, gia đình nghèo, không nơi nương tựa hoặc có vợ/chồng nhưng già yếu, không có người chăm sóc được chia thành các nhóm đối tượng cụ thể sau: dưới 85 tuổi nhận mức trợ cấp 180.000 đồng/tháng; dưới 85 tuổi bị tàn tật nặng 270.000 đồng/tháng; từ 85 tuổi trở lên 270.000 đồng/tháng; từ 85 tuổi trở lên bị tàn tật nặng 360.000 đồng/tháng; từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu, không có trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ nhận mức trợ cấp xã hội là 180.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ mai táng phí cũng thay đổi từ 2.000.000 đồng lên thành 3.000.000 đồng.
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên tục có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với các đối tượng BTXH đã điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, trợ giúp xã hội lên 270.000 đồng. Văn bản này có rất nhiều điểm mới tăng thêm quyền lợi cho NCT, đặc biệt văn bản đã hạ mức tuổi được hưởng trợ cấp xã hội đối với nhóm NCT không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hay trợ cấp hằng tháng từ 85 tuổi xuống 80 tuổi. Ngoài ra, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội còn ban hành Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19/5/2011 quy định hồ sơ, thủ tục trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng và tiếp nhận NCT vào cơ sở BTXH.
Trước thực tế của Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, tuổi thọ trung bình tăng lên, kèm theo số người sống trên 80 tuổi cũng tăng lên, việc giảm số tuổi nhận trợ cấp xã hội và tăng số tiền trợ cấp “tưởng như” làm tăng thêm gánh nặng ngân sách, nhưng nếu coi CSXH như một phần trong việc thực hiện chức năng phòng ngừa của công tác xã hội thì việc tăng thêm mức trợ cấp và giảm số tuổi nhận trợ cấp sẽ làm tăng cơ hội tiếp cận các điều kiện sống và điều kiện chăm sóc sức khỏe cho NCT; đồng thời, làm giảm nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mãn tính, hạn chế các chi phí y tế do rủi ro và bệnh tật mang lại. Do vậy, đây được coi là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và phù hợp với quá trình phát triển của xã hội.
Các văn bản chính sách, luật pháp luôn nhấn mạnh vai trò thiết yếu của gia đình trong chăm sóc, phụng dưỡng NCT, trong khi đó, NCT thuộc nhóm yếu thế cần được bảo đảm các nhu cầu như ăn, mặc, ở, đi lại…, vì vậy, Nhà nước phải luôn giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc nhóm NCT cô đơn, không nơi nương tựa và những người đã quá già mà không có lương hưu hay các trợ cấp khác. Cần xác định rõ: CSXH đã được ban hành là để góp phần điều tiết sự phân bổ về quyền lợi giữa các nhóm người trong xã hội, bảo đảm công bằng xã hội.
Thứ hai, về chăm sóc sức khỏe đối với NCT.
Hiện nay, các yêu cầu về ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh cho NCT và trách nhiệm của cơ sở y tế các cấp trong việc chăm sóc sức khỏe cho NCT được quy định tại mục 2 Luật NCT năm 2009. Theo đó, các bộ, ngành cũng đã ban hành các nội dung liên quan, như: Thông tư số 35/2011/TT-BYT ngày 15/10/2011 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện chăm sóc sức khỏe NCT; Thông tư số 21/2011/TT-BTC ngày 18/02/2011 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại nơi cư trú, chúc thọ, mừng thọ và biểu dương, khen thưởng NCT; Thông tư số 96/2018/TT-BTC ngày 18/10/2018 thay thế Thông tư số 21/2011/TT-BTC với các nội dung cụ thể hơn và phù hợp với điều kiện mới.
Sau tuổi 60, cơ thể đã bước vào thời kỳ lão hóa, NCT luôn đứng trước nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh mãn tính, việc chăm sóc sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Do vậy, các quy định ưu tiên chăm sóc sức khỏe ở các tuyến y tế đối với NCT chính là nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực nhất của NCT, giảm thiểu các rủi ro về bệnh tật, giảm bớt khó khăn về kinh phí cho bản thân NCT, cho gia đình và xã hội.
Các quy định về tài chính trong chăm sóc sức khỏe ban đầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền và lợi ích của NCT, tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 2 Thông tư số 96/2018/TT-BTC về nguồn kinh phí quy định: “Ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú;…” có thể sẽ gây nên những khó khăn trong việc thực hiện chính sách đối với các địa phương nghèo, kinh tế chưa ổn định, nhất là trong điều kiện tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, số NCT dần chiếm tỷ lệ cao trong xã hội. Nên chăng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đối với các địa phương đang gặp khó khăn về kinh tế trong vấn đề hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT.
Thứ ba, về lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch.
Thông tư số 127/2011/TT-BTC ngày 09/9/2011 của Bộ Tài chính quy định mức thu phí thăm quan di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng, danh lam thắng cảnh đối với NCT, trong đó quy định rõ mức thu phí bằng 50% mức phí hiện hành. Tại Thông tư số 06/2012/TT-BVHTTDL ngày 14/5/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết việc hỗ trợ NCT tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trong đó không chỉ quy định mức thu phí dịch vụ mà còn yêu cầu các cơ quan, tổ chức, các cá nhân hỗ trợ, tạo điều kiện cho NCT tiếp cận các dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch. Điều 3 Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ quy định rất rõ vai trò của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong việc đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của NCT.
Hiện nay, NCT thuộc nhóm yếu thế trong xã hội, họ bị hạn chế cả về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và điều kiện kinh tế – xã hội, do đó, việc ban hành các chính sách, pháp luật về hỗ trợ tài chính cũng như đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao… là tạo cơ hội tiếp cận các dịch vụ cho NCT, từ đó NCT được nâng cao chất lượng sống, được tạo điều kiện rèn luyện sức khỏe thể chất và tinh thần. Vì vậy, để các cơ sở văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch thật sự đáp ứng nhu cầu tinh thần và rèn luyện sức khỏe của NCT thì trong quá trình xây dựng, cải tạo, sửa chữa cần dựa trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu các nhu cầu và những đặc điểm về tâm, sinh lý của NCT mà điều này chưa được đề cập trong các văn bản chính sách, pháp luật có liên quan.
Thứ tư, về lĩnh giao thông công cộng.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho NCT trong việc tham gia giao thông công cộng, Bộ Giao thông vận tải đã gửi Công văn số 3873/BGTVT-PC ngày 01/7/2011 đến các đơn vị liên quan về việc thực hiện Luật NCT năm 2009 và Nghị định số 06/2011/NĐ-CP trong việc giảm giá vé các phương tiện giao thông công cộng cho NCT. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT ngày 30/12/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về hỗ trợ NCT khi tham gia giao thông công cộng. So với Công văn số 3873/BGTVT-PC, Thông tư số 71/2011/TT-BGTVT hoàn thiện hơn về mọi mặt, không chỉ quy định rõ về việc giảm giá vé các phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy và đường hàng không mà còn có các quy định ưu tiên chỗ ngồi, hỗ trợ trong việc lên xuống các phương tiện và các điều kiện khác đối với những NCT cần sự chăm sóc đặc biệt.
Các tỉnh, thành phố cũng đã đưa ra nhiều quy định ưu tiên hỗ trợ NCT trong tham gia giao thông và sử dụng giao thông công cộng. Chẳng hạn, như: Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, trong đó có quy định việc miễn phí dịch vụ giao thông công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội đối với các nhóm yếu thế, bao gồm cả NCT; Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 06/7/2017 của Hội đồng nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng quy định miễn phí cho NCT từ 70 tuổi trở lên khi tham gia giao thông công cộng bằng hình thức xe buýt đối với các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh…
Việc đưa ra các quy định hỗ trợ NCT tham gia dịch vụ giao thông công cộng là góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống của NCT, tạo cơ hội để NCT tham gia các hoạt động cộng đồng, giảm bớt khó khăn về kinh tế trong việc chi trả phí di chuyển, đồng thời tạo điều kiện để NCT được bảo vệ an toàn và bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ tai nạn giao thông trong trường hợp di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Do đó, cần tiếp tục được phát huy và nhân rộng trong cả nước.
Thứ năm, về chăm sóc và phát huy vai trò NCT.
Luật NCT năm 2009 đã đưa ra các nội dung về phát huy vai trò NCT, trong đó quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm quý và phẩm chất tốt đẹp… Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam gia đoạn 2012 – 2020. Chương trình đã đưa ra các mục tiêu cụ thể, các chỉ tiêu cần đạt và các hoạt động cần thực hiện nhằm chăm sóc và phát huy tốt vai trò của NCT. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 25/4/2014 quy định hàng năm lấy tháng 10 là tháng hành động vì NCT.
Có thể thấy rằng, hệ thống văn bản CSXH của Việt Nam về NCT tương đối hoàn thiện, bảo đảm mọi mặt đời sống của NCT, giải quyết những khó khăn của NCT về kinh tế, những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, xã hội… Các quy định trong các văn bản chính sách góp phần đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của NCT trong vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, nhu cầu an toàn, khám, chữa bệnh và nhu cầu được tự khẳng định bản thân, được tiếp tục học hỏi, tham gia lao động và đóng góp cho xã hội. Trước xu hướng già hóa dân số của Việt Nam, trong thời gian tới, việc ban hành các CSXH dành cho NCT mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tăng cường chức năng phòng ngừa của công tác xã hội, giảm bớt các khó khăn về an sinh xã hội trong tương lai.
Chú thích:
1. Võ Kim Hương. Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam: Thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, 2012, tr. 87.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Tiệp và cộng sự. Giáo trình Chính sách xã hội. H. NXB Lao động – Xã hội, năm 2011.
2. UNFPA. Báo cáo “Già hóa dân số và người cao tuổi ở Việt Nam, thực trạng, dự báo và một số khuyến nghị chính sách”, năm 2011.
TS. Nguyễn Thị Thu Hoài
Học viện Phụ nữ Việt Nam
Nguồn: https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/07/23/chinh-sach-xa-hoi-danh-cho-nguoi-cao-tuoi/